Tuy nhiên vì căn cơ trình độ chúng sinh cao thấp khác nhau, nhân duyên vô vàn sai biệt, tập nghiệp và vô minh sâu dày nên phần lớn chúng sinh chỉ mong cầu hạnh phúc phước báo nhân thiên trong vòng luân hồi, rất ít người có chí hướng thoát ly sinh tử. Với tâm từ bi vô hạn, Đức Phật đã tùy duyên giáo hóa, dạy nhiều phương pháp tu tập phù hợp với từng căn tánh chúng sinh, mang lại an lạc hạnh phúc với nhiều tầng bậc, nhiều cấp độ trong các cõi nhân thiên.
Có thể thấy trong hệ thống giáo lý đồ sộ của đạo Phật có rất nhiều bài kinh mang lại nhận thức tích cực, hướng dẫn con người có thái độ phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh, giúp con người giải quyết những tình huống khó khăn trong cuộc sống, vượt qua được những thử thách và tìm thấy được sự bình yên, hạnh phúc. Học tập, rèn luyện và tu dưỡng theo giáo lý Đức Phật, con người tự nâng cao nhận thức, thấy đúng sự thật, có tâm bao dung rộng mở, tầm nhìn xa rộng đa chiều. Với sự tu tập đúng pháp, người tại gia có thể đạt được cuộc sống an lạc thảnh thơi; người xuất gia có đủ điều kiện thăng hoa tinh thần, giác ngộ chân lý tối thượng.
Điểm qua một số giáo lý cơ bản và quan trọng bậc nhất của đạo Phật mà cả hàng xuất gia và tại gia đều có thể học tập, ứng dụng và đạt được lợi lạc tùy từng cấp độ tu tập.
Giáo lý Tứ diệu đế mà Đức Phật tuyên thuyết cho năm anh em A-nhã Kiều-trần-như tại Lộc Uyển là giáo lý căn bản nhằm mở ra nhận thức sâu sắc về sự thật bản chất bất toàn của đời sống, gọi là Khổ đế. Nguyên nhân dẫn đến những bất mãn, thất vọng, khổ đau mà con người phải chịu, không ai có thể tránh khỏi chính là tham ái, gọi là Tập đế. Chỉ ra nguồn an lạc, hạnh phúc chân thật, vững bền, không còn bóng dáng của khổ đau khi tâm định trí sáng, gọi là Diệt đế. Con đường đạt được nguồn chân hạnh phúc đó chính là Bát chánh đạo, gọi là Đạo đế.
Thực hành Tứ diệu đế căn bản chính là Đạo đế, mà chủ yếu là tu tập Bát chánh đạo. Trong đó, hai chi phần Chánh kiến và Chánh tư duy mang lại nhận thức sâu sắc, thấu đáo về bản chất đời sống, quan niệm sống đúng đắn, tích cực làm tư tưởng chủ đạo cho tư duy và hành động. Ba chi phần tiếp theo gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng giúp xây dựng những kỹ năng sống thiện lành được hình thành trên cơ sở hiểu biết đúng đắn và kinh nghiệm thực hành các thiện pháp qua suy nghĩ, lời nói và hành động. Chi phần Chánh tinh tấn giúp hình thành tinh thần cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. Hai chi phần sau cùng, Chánh niệm và Chánh định giúp mở rộng khả năng làm chủ bản thân bao gồm cảm xúc, tình cảm, tâm lý, kiểm soát tốt tư duy, ngôn ngữ, hành động, giúp tâm an tịnh, hỷ lạc, bất động.
Thực hành Bát chánh đạo chính là tu dưỡng Tam vô lậu học. Trau dồi những giá trị đạo đức giúp con người hoàn thiện và nâng cao phẩm cách nhờ giữ Giới (phẩm hạnh, đạo đức Phật giáo); giúp làm chủ cảm xúc, tình cảm, tâm lý nhờ tu Định; sau cùng, có khả năng thích nghi, ứng phó và giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội một cách có hiệu quả trên cơ sở thấu rõ về duyên sinh, nhân quả nhờ thành tựu Tuệ.
Ba môn học vô lậu này chẳng những giúp con người kiện toàn nhân cách, đạt được những giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống mà còn đưa hành giả đạt tới bậc thánh thiện, có đời sống vượt lên trên đời sống tầm thường của thế tục; đặc biệt có thể phát triển đến đỉnh cao là giác ngộ, giải thoát. Vì thế ba môn học này được gọi là vô lậu – không còn phiền não, nhiễm ô đưa đến sự sa đọa vào con đường khổ.
Về phương diện hướng dẫn con người bước vào sinh hoạt tập thể, sống hòa nhập với tổ chức, cộng đồng, xã hội, phải kể đến giáo lý Lục hòa và Tứ nhiếp pháp.
Lục hòa là sáu nguyên tắc sống hòa hợp mà Đức Phật dạy hàng xuất gia nhằm xây dựng đời sống tu hành hòa mục, tịnh lạc, giúp giáo đoàn tăng thịnh, nhưng Lục hòa cũng mang lại lợi ích lớn cho bất cứ đời sống tập thể nào biết vận dụng thực thi nó. Lục hòa gồm có: Thân hòa đồng trú là tập sống chung hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần bình đẳng, tương thân tương ái, không phân biệt đối xử, không thành kiến, tị hiềm. Khẩu hòa vô tranh là lời nói từ ái, thuận hòa không tranh đấu hơn thua, không xúc phạm, không làm tổn thương người khác. Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui) là biết trao đổi, hội ý, ý nghĩ hòa hợp không chống trái, không tranh chấp hơn thua, không thành kiến, oán thù.
Giới hòa đồng tu là cùng nhau thọ trì giới pháp, giữ gìn những chuẩn mực đạo đức, thực hành chánh hạnh, cùng giúp đỡ nhau trong việc trau giồi phẩm cách, đức hạnh, hoàn thiện bản thân. Kiến hòa đồng giải là cùng nhau hướng đến chánh tri kiến; tư tưởng, nhận thức hòa hợp không chống trái, không dị biệt. Lợi hòa đồng quân là cùng chia sẻ lợi ích với nhau một cách phù hợp, bình đẳng về phương diện vật chất cũng như những thụ hưởng tinh thần, cùng chia sẻ trên tinh thần hòa đồng ái kính.
Còn Tứ nhiếp pháp là nghệ thuật đắc nhân tâm, phương pháp chinh phục và nhiếp hóa quần chúng. Đây chính là kỹ năng hòa nhập tập thể, tổ chức, cộng đồng để làm lợi ích xã hội. Bố thí nhiếp, Đức Phật dạy bố thí về các phương diện như tiền bạc của cải, cơm ăn áo mặc, phương tiện kiếm sống, nói chung là về phương diện vật chất; bố thí kiến thức, truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp, lời hay lẽ phải, những giá trị đạo đức; bố thí sự bình an, yên ổn bằng lời an ủi, khuyên nhủ, thấu hiểu, sự bảo vệ, chở che để tạo thiện cảm và niềm tin, sự mến mộ nơi mọi người.
Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói từ ái, dịu dàng, duyên dáng, lịch sự, lời nói chân thành, khéo léo để chinh phục lòng người, giúp họ hướng thiện. Lợi hành nhiếp là dùng sự tận tâm giúp đỡ mọi người đều có lợi ích, khích lệ mọi người phấn đấu để cùng nhau đi đến thành công trong cuộc sống. Đồng sự nhiếp là dùng sự gần gũi, thân cận, cùng sống chung, cùng làm việc, cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi để tạo tình cảm và mối tương giao tốt.
Ngoài một số giáo lý tiêu biểu nói trên, qua hệ thống kinh điển đồ sộ, đạo Phật còn trang bị cho hàng ngũ xuất gia và tại gia những kỹ năng nhận thức bản thân, xác lập mục tiêu cuộc đời, cách xây dựng đời sống hiện tại và tương lai an lạc. Chẳng hạn như Đức Phật tuyên bố rằng ai cũng có khả năng giác ngộ thành Phật, ai cũng có khả năng tự hoàn thiện mình nếu như người đó biết nỗ lực phấn đấu cải tạo bản thân, biết hướng đến mục tiêu cao thượng. Đức Phật khẳng định rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, Ngài là Phật đã thành và chúng ta là Phật sẽ thành. Điều này đã giúp chúng ta có lòng tin vào khả năng giác ngộ, vào năng lực chuyển hóa, tự hoàn thiện mà mình có thể khai thác nơi chính con người mình.
Thông qua giáo lý Nghiệp, Đức Phật dạy về tinh thần trách nhiệm cá nhân, mỗi người phải ý thức rằng mình là chủ nhân của đời sống, mình hoàn toàn chịu trách nhiệm việc mình làm, những gì mình tạo tác bằng thân (hành động), khẩu (lời nói), ý (suy nghĩ), ngoài mình ra không ai có thể làm cho mình hạnh phúc hoặc đau khổ. Thông qua giáo lý Duyên khởi, Đức Phật dạy về các mối tương quan tương duyên trùng trùng, từ con người cho đến thế giới đều nằm trong sự vận hành của nhân-duyên-quả, không có những thực thể tồn tại độc lập, không có những sự kiện ngẫu nhiên, không có bất cứ quyền năng nào có thể chi phối muôn loài vạn vật ngoài tiến trình nhân quả.
Giáo lý Tứ vô lượng tâm, bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả dạy chúng ta sống đời sống cao thượng với tâm rộng lớn, vị tha có ích cho đời. Người thực hành giáo lý Tứ vô lượng tâm luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung độ lượng, thương tất cả chúng sinh, vui với điều thiện và thường làm lợi lạc chúng sinh bằng tâm nguyện cao đẹp “cứu khổ ban vui’.
Phật giáo có nhiều pháp môn tu với ý nghĩa có nhiều cánh cửa phương tiện, nhiều phương pháp thực hành thích ứng với nhiều căn cơ trình độ của con người, các pháp môn đều lấy Chánh kiến, Chánh tư duy làm nền tảng, và lấy sự thực hành làm trọng tâm. Chỉ có sự thực hành, rèn luyện trên cơ sở nhận thức tích cực, phù hợp với chân lý mới giúp chúng ta hình thành những kỹ năng cần thiết, chứng đạt được an lạc hạnh phúc trong đời sống và hướng đến giác ngộ, giải thoát trong tương lai